Đối với các mẹ bỉm sữa, làm thế nào để có sữa cho con bú là mối quan tâm hàng đầu. Thậm chí, điều này khiến không ít bà mẹ lo lắng dẫn tới stress khi không đủ sữa cho con. Vậy, sau khi sinh mẹ cần làm sao để có nhiều sữa? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để được giải đáp nhé!

Mỗi cơ thể người phụ nữ đều mang những đặc điểm thể chất khác biết. Có những mẹ sau khi sinh nguồn sữa về dồi dào nhưng cũng có những người mẹ tuyến sữa hoạt động không thuận lợi nên sản sinh ít sữa, không đủ cho con bú.

Tuy nhiên, mẹ đừng vội tự trách bản thân mình và cũng đừng quá căng thẳng nếu sữa về ít. Hãy cùng tìm ra nguyên nhân và áp dụng một số cách giúp mẹ có nhiều sữa thông qua chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và kích sữa để sữa về nhiều cho bé bú nhé.

Cách để mẹ có nhiều sữa cho con bú

Áp dụng một số mẹo dưới đây sẽ giúp mẹ có thêm nhiều sữa cũng như tăng chất lượng sữa để bé nhà mình phát triển tốt, tăng cân nhanh.

1. Nếu có thể hãy sinh thường để sữa về sớm và nhiều

nếu có thể hãy sinh thường để sữa sớm và nhiều

Khi sinh mổ, mẹ phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng, điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất sữa sau khi sinh. Nếu được, tốt nhất mẹ nên sinh thường, để hàm lượng prolactin đủ để kích thích sữa về nhanh và nhiều hơn. Đây cũng là lý do nhiều bà mẹ cố gắng sinh thường để có nhiều sữa cho con bú.

2. Luôn cho con bú sau khi sinh

với trẻ vừa mới sinh mỗi phút được bú mẹ ngay đều quý giá

Dù sinh thường hay sinh mổ thì sau khi sinh 1 giờ mẹ cần cho con bú để bé hấp thụ được chất dinh dưỡng của nguồn sữa non. Ngoài ra, việc cho con bú theo nhu cầu sẽ tạo phản ứng tự nhiên để cơ thể mẹ liên tục sản xuất sữa.

Nếu mẹ sinh mổ, thời gian lý tưởng nhất cho bé bú là sau 1 giờ. Tuy nhiên nếu thể trạng mẹ không cho phép, mẹ có thể cho bé bú trễ hơn, tuy nhiên không để trễ hơn từ 4 – 6 tiếng.

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, nếu kéo dài thời gian này bé sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bú mẹ và tắc sữa ở mẹ. Nếu bé phải ở xa mẹ hơn 6h, mẹ nên hút sữa bằng máy chuyên dụng để đảm bảo hiệu quả.

Nếu sữa về chậm, mẹ đừng quá lo lắng, hãy cho bé bú càng nhiều càng tốt. Mẹ cần quan sát xem bé bú đúng cách chưa và kịp thời điều chỉnh.

3. Cho con bú càng nhiều càng tốt

âu yếm và ở bên con

Để tăng lượng sữa, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng – Bệnh viện 198 cũng khuyên rằng: Mẹ cần cho bé bú thường xuyên, động tác mút của bé sẽ kích thích việc tiết sữa. Đặc biệt, bú càng cạn bầu sữa thì sữa lại càng mau về. Mỗi lần mẹ cho bé bú từ 20 – 30 phút.

Mẹ cho bé bú hết bầu sữa này rồi chuyển sang bầu bên kia để tận dụng được nguồn sữa béo cuối bầu đồng thời kích thích quá trình tạo sữa cân bằng cho cả hai bên.

Sữa Non: Trong 3 hoặc 4 ngày, bé sẽ được nuôi bằng sữa non, loại sữa đặc quánh, có màu vàng nhạt với năng lượng tuyệt vời, trong sữa còn có đủ các kháng thể mà bé cần để khỏe mạnh.

Sữa Nước: khi sữa bắt đầu về, trong 5-10 phút đầu, sữa trong như nước và giàu đường lactose, giúp giải khát cho trẻ. Loại sữa này cũng giàu oxytocin, có tác dụng như thuốc ngủ – đây chính là nguyên nhân khiến bé (và mẹ) thi thoảng lại ngủ ngật ngay trong 10 phút đầu của cữ bú.

Sữa Đầu: Sữa sẽ ra nếu con bú 5-10 phút tiếp theo, sữa giàu protein xuất hiện. Loại sữa này tốt cho sự phát triển xương và não.

Sữa Sau: Sữa sẽ ra nếu con bú 15-18 phút tiếp theo,đây là sữa màu trắng kem, giàu chất beo. Vì đặc và giàu calo, nên loại sữa này có tác dụng giúp trẻ tăng cân.

CHÚ Ý: Bú sớm trong vòng 60 phút đầu sau sinh – Áp dụng phương pháp Da Tiếp Da – Cái ôm đầu tiên – ngay khi sinh ra em bé nằm trên ngực mẹ, để mẹ ôm em bé.

Tạo thuận lợi cho mẹ để cho con bú càng sớm càng tốt – vì sữa non rất ít (có vài giọt) trong 24h chỉ có khoảng 15ml, rất quý, cực kỳ quý không tìm được sau đó hết.

Khi em bé bú mẹ thì oxytocin tiết ra (hoocmon TÌNH YÊU), giúp mẹ thư giãn hơn, dễ ngủ, lành nhanh, giảm đau.

Ghi Nhớ Quan Trọng: Một số mẹ thích vắt sữa để “dự trữ” sữa “phòng khi cần”. Trừ khi mẹ sắp phải phẫu thuật hoặc vì lí do gì đó không thể trực tiếp cho con bú được, còn không, ĐỪNG BAO GIỜ vắt sữa để dùng quá 3 ngày. Vì khi con bạn lớn lên và thay đổi, thành phần có trong sữa mẹ cũng thay đổi. Sữa mẹ được vắt từ tháng trước không còn phù hợp với trẻ ở tháng này nữa?

Nguồn: Cửa Sổ Vàng – Nguyễn Duy Cương

Trong khi bú, nếu bé ngủ mẹ không nên rút ti ra bởi khi bú no bé sẽ tự nhả ti và ngủ ngoan. Khi cho bé bú, mẹ cần tìm chỗ vắng, tốt nhất chỉ có hai mẹ con để bé tập trung bú, không bị phân tán. Ngoài ra, trong khi bú, mẹ và bé hãy thư giãn để bé dễ tiêu hóa còn mẹ đỡ cảm giác đau tức.

4. Tư thế khi bú của bé

Không ít mẹ bỉm rơi vào trường hợp trước đây cả hai bầu sữa đều đầy, tuy nhiên sau 6 tháng sữa mẹ ít dần, điều này được xác định là do tư thế khi bú của bé chưa đúng. Mẹ cần lưu ý động tác mút của bé để bé bú đúng cách. Cụ thể như sau:

  • Cả thân người bé áp sát và hướng về phía mẹ.
  • Cằm bé chạm vào bầu sữa của mẹ.
  • Miệng bé mở to, ngậm gần hết quầng vú chứ không phải chỉ mút đầu ti.
  • Môi dưới của bé cong ra ngoài.
  • Mẹ có thể nhìn thấy bé mút chậm và mạnh, cũng như nghe tiếng nuốt.

1. Tư thế ngồi

Mỗi cữ bú có thể kéo dài đến 30 phút, do đó mẹ nên chọn một chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái ở trên giường hoặc ghế ngồi.

Tư thế phổ biến và cũng dễ nhất là bế bé nằm ôm vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung vững chắc:

tư thế ngồi cho bé bú đúng cách

Tư thế ngồi và bế trẻ với cánh tay thuận

Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé.

Đảm bảo 3 điểm: Đầu – lưng – mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ.

(lưu ý: sai lầm thường gặp là mẹ cho bé nằm ở tư thế ngửa và chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ, điều này sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé).

Ngoài ra, còn một số cách bế trẻ bú ở tư thế ngồi khác như:

tư thế ngồi cho bé bú đúng cách 2

Lưu ý: mẹ có thể lựa chọn tư thế ôm bé sao cho cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất và phải đảm bảo tư thế 3 điểm thẳng hàng (đầu – lưng – mông) và trẻ nằm nghiêng về hướng mẹ, bụng chạm bụng và mặt chạm ngực.

2. Tư thế nằm

Nếu không đủ sức khỏe để ngồi, mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên mẹ nên tập ngồi dậy và đi lại sớm sau sinh để khí huyết lưu thông, giúp mau hồi phục sức khỏe và sớm cho bé bú ở tư thế ngồi.

tư thế nằm cho bé bú đúng cách

 

tu thế nằm cho bé bú đúng cách 2

Khi cho bé bú ở tư thế nằm mẹ nên cho đầu bé nằm cao hơn thân người để hạn chế sữa mẹ trào bị trào ngược

3.Tư thế cho bú song sinh

Hai bé bú cùng lúc hai bên sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa mẹ, vì khi một bé bú bên này, sữa ở bầu ngực bên kia cũng chảy theo.

tư thế cho bú song sinh

Tư thế cho bé bú song sinh như sau:

  • Đặt 2 bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ.
  • Để tránh mỏi tay và nâng đỡ người bé, mẹ có thể dùng khăn hoặc gối chữ U lót ở dưới. Nhưng không được đặt bé tựa hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú sữa được.
  • Lần lượt từng bé, khi bé này ổn định thì tiếp tục bé còn lại.
  • Tuy sinh đôi nhưng có bé bú yếu hơn, bé bú mạnh hơn. Bé yếu hơn trong việc ngậm bắt vú mẹ nên cho bú trước, sau khi ổn định bé này thì cho bé bú mạnh hơn bú.
  • Thay đổi vị trí qua lại cho 2 bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.

tư thế cho bú song sinh 2

Nguồn: Bệnh viện Từ Dũ

bé ngậm bắt vũ mẹ đúng cách

Bé ngậm bắt vú mẹ đúng cách

bé ngậm bắt vũ mẹ đúng cách 2

Khi ngậm bắt vú mẹ, miệng bé ôm chặt quanh núm vú và phần lớn quầng vú.

2 Điều mẹ cần chú ý:

Mẹ đừng vội cho con ăn quá nhiều sữa bột

Trong những ngày mới sinh, nhiều mẹ bỉm vì nóng vội và sợ con không đủ no nên cho bé ăn nhiều sữa bột. Tuy nhiên, điều này không thật sự tốt.

Mẹ cần hiểu rõ về kích thước dạ dày cũng như lượng sữa bé có thể tiếp nhận theo từng độ tuổi. 3 ngày đầu tiên sau khi chào đời, lúc này dạ dày của bé khá nhỏ nên bé chỉ cần ăn từ 5-10ml/bữa. Thời điểm này, dù sữa mới về ít thì mẹ chỉ cần cho bé bú liên tục và nhiều.

Theo thời gian, lượng sữa ăn của bé sẽ tăng dần và cơ thể mẹ cần sản xuất nhiều sữa hơn để phù hợp với nhu cầu của bé.

Hạn chế sử dụng bình sữa

Trẻ sơ sinh thích bú mẹ vì nó mang lại cho bé cảm giác an toàn. Ngoài ra, việc bú mẹ cũng tạo sợi dây liên kết giữa mẹ và bé. Nếu mẹ cho bé bú bình, dần dần bé sẽ bú mẹ ít đi khiến mẹ sản xuất ít sữa hơn. Do đó, nếu mẹ đang lo ngại mình tiết ít sữa thì hãy thường xuyên cho bé bú trực tiếp, hạn chế tối đa việc bú bình nhé.

5. Âu yếm và ở bên con

âu yếm và ở bên con

Các nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ giữa việc chăm sóc của bố mẹ với lượng sữa được tiết ra. Theo đó một số hành động như âu yếm, vuốt ve bé sẽ thúc đẩy nồng độ prolactin và oxytocin trong cơ thể mẹ tăng lên.

Đây là hai loại hormone quan trọng cho quá trình sản xuất sữa mẹ. Các bà mẹ cho con bú sẽ có nồng độ hormone prolactin và oxytocin và prolactin cao hơn, từ đó tạo cảm giác hưng phấn, thoải mái kích thích việc tiết sữa.

Bên cạnh đó, việc massage cho bé và địu con trước ngực giúp mẹ tăng cường tiếp xúc với bé. Ngoài ra, mẹ hãy ngủ cùng con để tạo điều kiện cho bé bú thường xuyên vào ban đêm.

6. Chế độ dinh dưỡng cho bà đẻ những tháng đầu – Mẹo quan trọng giúp mẹ nhiều sữa hơn

chế độ dinh dưỡng cho bà đẻ những tháng đầu

Để tránh tình trạng sữa mẹ ít dần, mẹ bỉm cần đa dạng nguồn cung cấp thực phẩm và tăng khối lượng tiêu thụ so với hàng ngày. Có như vậy mới cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cả mẹ và bé. Trong khẩu phần ăn của mẹ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm dưới đây:

  1. Chất đạm protein: Có trong các thực phẩm như trứng, cá, sữa, thịt, các loại đậu,…..
  2. Chất béo lành mạnh: Có trong mỡ, dầu và bơ sữa.
  3. Chất đường bột: Có trong khoai, gạo, mì,…..
  4. Vitamin và khoáng chất: Có trong các loại hoa quả tươi, rau xanh.

Mỗi ngày mẹ nên ăn 5 – 6 lần vào trước thời điểm cho bé bú để kích thích tiết sữa. Mẹ có thể tham khảo  các khẩu phần ăn dưới đây:

  • 200 gram cá hoặc thịt.
  • 1 quả trứng.
  • 1 lít sữa bột hoặc sữa tươi.
  • 200 – 300gram trái cây.
  • 500 – 600 gram rau xanh.

Ngoài ra, xung quanh chúng ta còn rất nhiều thực phẩm và món ăn giúp mẹ lợi sữa. Nếu biết kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp các tuyến sữa hoạt động mạnh từ đó cung cấp lượng sữa tốt hơn, nhiều hơn.

Canh đu đủ

canh đu đủ cho bà đẻ

Trong đu đủ có chứa nhiều vitamin D, A, C, E cùng các dưỡng chất do đó nó có vai trò cung cấp nguồn sữa dồi dào cùng chất lượng sữa tốt cho mẹ bỉm.

Thực phẩm từ cá

Cá là thực phẩm giàu DHA, omega 3 giúp phát triển hệ thần kinh và trí não cho bé. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mẹ bầu nếu ăn nhiều cá thì não bộ của thai nhi lại càng phát triển.

Nếu mẹ bầu chán với chân giò thì có thể thay thế bằng cá chép. Thịt cá chép chứa nhiều chất béo, axit lutamic cũng như arginine có tác dụng lợi tiểu, bổ tỳ vị và thông sữa, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng tốt.

món cả cho bà đẻ

Nếu mẹ đã chán chân giò thì cá là một lựa chọn tuyệt vời giúp thông sữa, phát triển não bộ thai nhi

Thịt bò

Sau quá trình “vượt cạn”, mẹ bầu sẽ mất khá nhiều máu. Do đó, để phục hồi lượng máu đã mất, mẹ cần bổ sung nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm cung cấp chất sắt.

thịt bò rất tốt cho mẹ bầu mới sinh

Thịt bò là thực phẩm có vai trò cung cấp lượng sắt lớn cho cơ thể. Khi không đủ sắt trong máu, cơ thể sẽ bị hoa mắt, uể oải và chóng mặt hơn.

Do đó, để bổ sung nhanh lượng máu, thịt bò là thực phẩm vàng. Nó giàu vitamin B12 và chất đạm đây là những dưỡng chất tốt trong thời kỳ mẹ nuôi con bằng sữa.

Quả sung

Trong quả sung có chứa nhiều chất xơ, canxi cũng như vitamin cùng các chất chống oxy hóa. Đây là loại quả có vai trò lớn trong việc lợi sữa.

Ngoài ra, cũng theo y học, quả sung tính bình, vị ngọt không có độc lại chứa nguồn dinh dưỡng lớn có vai trò kích thích hoạt động tuyến sữa, giúp gọi sữa mẹ về nhiều và đặc hơn.

món ăn từ quả sung cho bà đẻ

Quả sung vừa giúp giảm nguy cơ sinh non lại có tác dụng lợi sữa cho mẹ bầu

Hạt bí

Nhiều mẹ bỉm sữa vẫn thường thắc mắc làm sao để có nhiều sữa cho con bú, theo đó mẹ có thể ăn hạt bí hoặc xay nhuyễn hạt bí và uống 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối. Hạt bí có vai trò tốt trong việc tăng cường sữa cho mẹ bầu.

hạt bí giúp tăng cường sữa cho mẹ bầu

Phương pháp thực hiện khá đơn giản, mẹ chỉ cần lấy nhân của hạt bí sau đó xay nhuyễn, mẹ chỉ cần uống trong vòng 1 tuần là đạt hiệu quả tốt.

Các loại hạt đậu

hạt đậu xanh gúp tăng cường sữa cho mẹ bầu

Đậu đỏ, đậu xanh, đậu ngự, đậu đen,…là những thực phẩm tốt cho mẹ và bé. Trong hạt đậu chứa nhiều canxi, protein, kẽm, kali, vitamin B6 và axit alpha – linolenic… giúp bổ sung dinh dưỡng và nguồn sữa dồi dào hơn.

Rau đay

rau đay giúp tăng cường sữa cho mẹ bầu

Sau khi sinh ở tuần đầu tiên, mẹ bầu có thể ăn rau đay hàng ngày vào các bữa chính. Vào những tuần kế tiếp, mỗi tuần mẹ ăn rau đay 2 lần để tăng lượng sữa cũng như lượng chất béo có trong sữa mẹ.

Cam, việt quất

Sau khi sinh mẹ cần bổ sung vitamin C bằng cách uống nước cam ép, ăn 1 quả cam hoặc một vài quả việt quất.

cam việt quất giúp tăng cường sữa cho mẹ bầu

Cam và việt quất giúp mẹ bầu bổ sung vitamin C rất tốt

Việt quất là trái cây cực tốt nó có vai trò bổ sung vitamin, dưỡng chất đặc biệt là khả năng ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào ung thư.

7. Những loại thức uống có lợi cho sữa mẹ

những loại thức uống có lợi cho sữa mẹ khi cho con bú

Để có đủ sữa cho con bú, mẹ cần thường xuyên bổ sung các loại nước uống lành tính, có nguồn gốc từ thiên nhiên sau:

nước chè vằng là thức uống có lợi sữa cho mẹ bầu

Chè vằng thái nhỏ và phơi khô cả thân lẫn lá, dùng nấu nước để uống thì rất lợi sữa cho mẹ sau sinh. Chè vằng thường mọc ở trong rừng sâu nhưng hiện nay chè vằng khô được bán khá phổ biến trên thị trường. Hiện nay trên thị trường có bán loại chè vằng được đóng gói sạch sẽ và rất tiện sử dụng.

nước gạo lứt rang là thức uống lợi sữa cho mẹ bầu

Gạo lứt không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp thanh lọc, giải độc cơ thể. Nước gạo lứt rang giúp các mẹ sau sinh thơm sữa, và sữa về nhiều hơn. Trong gạo lứt còn nguyên vỏ có chứa nhiều các Vitamin B1, B2, B3, B5, B6 và các khoáng chất như Canxi, sắt, các nguyên tố vi lượng như Canxi, Sắt, Magie, Selen, Glutathione (GSH), Kali và Natri tốt cho sự phát triển của bé.

nước mè đen là thức uống có lợi sữa cho mẹ bầu

Mè đen đem xay nhuyễn trộn thêm một ít đường hòa tan với nước sôi sau 10 phút thì mẹ có thể dùng được. Với những mẹ bầu thiếu sữa chỉ cần dùng 4 ngày là lượng sữa sẽ nhiều lên đáng kể. Ngoài ra với mè đen mẹ cũng có thể làm muối mè để ăn cũng có lợi ích giống như vậy.

nước lá mít là thức uống lợi sữa cho mẹ bầu

Lá mít thường không được dùng làm thực phẩm nhưng với mẹ bầu nước lá mít lại là thức uống tốt cho bầu sữa. Mẹ nên uống nước lá mít mỗi ngày để lượng sữa được cải thiện rõ rệt. Đây thực sự là bài thuốc dân gian rất hay.

nước lá đinh lăng là thức uống lợi sữa cho mẹ bầu

Lá đinh lăng cũng là loại nước giúp lợi sữa. Hàng ngày mua lá đinh lăng, rửa sạch rồi cho vào nước (đổ nước ngập lá) đun sôi sau đó chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm. Nếu chưa uống ngay mà nước bị nguội thì khi uống phải hâm nóng, không nên uống lạnh.

nước 5 loại đậu là thức uống có lợi sữa cho mẹ bầu

Nước của 5 loại đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng) rang có mùi rất thơm, rất dễ uống và đặc biệt kích thích tuyến sữa làm việc. Mỗi tối lấy 1 – 2 nắm tay đậu đã rang cho vào bình giữ nhiệt (bình thủy), cho khoảng 1,5 lít nước sôi vào. Sáng hôm sau là có thể uống, dùng hết bình cho cả ngày, tối lại ủ bình khác.

nước lọc ấm là thức uống có lợi sữa cho mẹ bầu

Mỗi ngày mẹ cho con bú nên uống khoảng 2 -2,5 lít nước. Tuy có nhiều loại nước khác nhau để mẹ có thể thay đổi khẩu vị, nhưng một ly nước lọc ấm trước khi cho con bú cũng sẽ giúp cho tuyến sữa hoạt động tốt hơn. Đây có lẽ là thức uống đơn giản nhất nhưng cũng có nhiều lợi ích và cần thiết nhất.

nước rau má là thức uống có lợi sữa cho mẹ bầu

Rau má cũng có tác dụng lợi sữa, kháng khuẩn, lưu thông khí huyết, giúp da dẻ hồng hào, trẻ lâu. Các mẹ có thể hãm rau má khô để uống thay nước hàng ngày hay dùng rau má tươi để nấu canh với thịt bò, thịt gà, thịt nạc thăn …

Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung thêm một số thực phẩm lợi sữa khác như:

  • Khoai lang, củ cải, cà rốt chứa beta-carotene cần thiết trong việc sản xuất sữa mẹ. Đặc biệt, cà rốt còn chứa phytoestrogen có vai trò kích thích sữa về.
  • Một số loại rau có lá màu xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi có chứa nhiều khoáng chất, vitamin cùng phytoestrogen và enzyme cần thiết cho các chị em đang cho con bú.
  • Một số loại ngũ cốc như lúa mạch hay yến mạch có vai trò tăng cường sản xuất sữa mẹ.
  • Đậu lăng và đậu xanh không chỉ là nguồn protein tuyệt vời mà nó còn đặc biệt tốt cho sữa mẹ.
  • Hạt điều và hạnh nhân thúc đẩy sản xuất sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên chọn các hoạt hạt thô thay vì đã rang để tận dụng tối đa nguồn dưỡng chất.
  • Mẹ bỉm sữa cùng cần bổ sung tỏi vào thực đơn hàng ngày bởi nó không chỉ có vai trò chống oxy hóa mà còn tăng khả năng sản xuất sữa. Mỗi ngày, mẹ chỉ cần cho thêm vài tép tỏi vào các món rau xào.
  • Với các mẹ bỉm đang cho con bú, gừng cũng là nguyên liệu cần thiết. Mẹ có thể uống trà gừng hoặc ăn mứt gừng.
  • Mỗi ngày mẹ cần uống từ 2 – 3 lít nước ấm, đây là điều quan trọng để đảm bảo mẹ có đủ nước để sản xuất sữa. Tốt nhất mẹ nên uống nước vụ nối hoặc nước lá chè vằng.

Bên cạnh đó, để bé phát triển về hệ miễn dịch, trí tuệ cũng như khả năng nhìn, mẹ cần bổ sung các dưỡng chất như DHA, EPAacid folic, vitamin A, D, canxi, các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B9, B12) đặc biệt là EPA, DHA theo đúng chuẩn để tăng cường chất lượng sữa cho con bú.

8. Yếu tố tâm lý

để kích thích mẹ tiết ra nhiều sữa tinh thần vẫn là yếu tố quan trọng

Để kích thích mẹ tiết ra nhiều sữa, tinh thần vẫn là yếu tố quan trọng

Yếu tố tâm lý ảnh hưởng cực lớn đến việc gọi sữa về của mẹ. Theo đó mẹ cần nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống hợp lý. Khi bị thiếu sữa hay mất sữa, mẹ không được lo lắng hay căng thẳng. Tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng, mẹ cần bình tĩnh và thực hiện các cách gọi sữa về cho bé.

Xoay quanh câu chuyện sữa mẹ ít dần phải làm sao, các bác sĩ cũng khuyên mẹ cần kiên nhẫn và bế con áp vào ngực cho bé mút như hành động nhắc nhở cơ thể tiết ra sữa. Nếu quá căng thẳng hay dừng cho bé bú thì mẹ sẽ bị mất sữa.

9. Mẹ chịu khó mát xa bầu ngực của mình – Mẹo giúp mẹ nhiều sữa hiệu quả

mát xa bầu ngực là cách làm sữa mẹ xuống nhiều

Mát xa bầu ngực là cách làm sữa mẹ xuống nhiều

Để có nhiều sữa hơn, mẹ có thể massage nhẹ nhàng bầu ngực của mình để giúp cơ thể sản sinh oxytocin, kích thích tuyến sữa hoạt động và đánh tan các cục sữa đông, khơi thông dòng sữa cho mẹ.

Video cách mát xa bầu ngực cho mẹ tham khảo

Nguyên nhân sữa mẹ ít

Sữa mẹ ít có thể xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau:

  • Mẹ từng có tiền sử phẫu thuật ngực như làm nhỏ ngực, nâng ngực. Mặc dù bác sĩ phẫu thuật có thể đã cố gắng duy trì mô vú tạo sữa tuy nhiên nó vẫn có những ảnh hưởng nhất định. Việc cắt đứt các ống dẫn cũng như các dây thần kinh từ vú tới núm vú có thể gây ra một số vấn đề.
  • Bị nhiễm trùng ngực, chẳng hạn như bệnh nấm đầu núm vú hoặc viêm vú.
  • Khi bé không biết cách ngậm ti và nuốt hoặc bé bú chưa đúng cách. Đây cũng là nguyên nhân sữa mẹ về ít. Trong trường hợp này mẹ cần nhờ bác sĩ hoặc y tá kiểm tra xem tư thế bé bú đúng hay chưa.
  • Do tác động từ một số loại thuốc như thuốc tránh thai,….
  • Nội tiết tố trong cơ thể mẹ thay đổi chẳng hạn như: thụ thai, hành kinh hoặc nội tiết tố nhân tạo.
  • Mẹ cho bé bú ít, chưa đủ kích thích tạo sữa.
  • Uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy.
  • Có bầu
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế tạo sữa. Một số thảo dược cũng có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất sữa của mẹ.
  • Mẹ bị đau đầu ti khi cho bé bú dẫn tới dần dần mất khả năng tạo sữa.
  • Mẹ cho bé ăn dặm sớm khiến bé không muốn bú mẹ nữa.

Một số câu hỏi thường gặp

Hàng trăm câu hỏi của độc giả đã được gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến “Kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc bầu sữa” diễn ra tại tòa soạn báo Dân Trí điện tử.

Quầy Thuốc Linh Sơn đã đọc và chọn ra những câu hỏi phù hợp nhất tới chủ đề này. Tất cả các câu hỏi và câu trả lời đều được copy nguyên bản nhằm giữ nguyên giá trị.

hội thảo chăm sóc nuôi con bằng sữa mẹ 1

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT Báo Dân trí tặng hoa các khách mời

1. Hoa Lê – Nữ 30 tuổi

Tôi đang mang thai tháng thứ 8 và dự định nuôi con bằng sữa mẹ. Tôi có nghe nói sữa non lót ruột cho con mới đẻ là tốt nhất và cần phải cho con bú sữa non ngay sau khi sinh vài tiếng đồng hồ. Tôi rất lo sữa non không về kịp cho con lót ruột. Vậy tôi nên làm gì để đảm bảo sinh xong có ngay sữa non cho con?

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Sữa non được sản xuất ngay từ tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Và từ tuần thứ 35 của thai kỳ thì biểu hiện rất rõ bằng những lắng cặn ở đầu ti và núm vú.
Mẹ có thể học cách mát xa bầu vú và vắt sữa non sau khi tròn 36 tuần (bước sang tuần thứ 37) để trữ sữa non phòng trường hợp con sinh mổ không được về với mẹ ngay. Hoặc mẹ có tiểu đường thai kỳ em bé có nguy cơ hại đường huyết sau sinh.

Trong 24 giờ đầu sau sinh, kích thước dạ dày của bé chỉ nhỏ 5 – 7ml nên số lượng sữa non là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của em bé.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tin là ngay sau sinh đã có sữa non đáp ứng đúng nhu cầu của con bạn.

=================

2. Nguyễn Thị Trường – Nữ 27 tuổi

Tôi muốn sẵn sàng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay khi con chào đời, vậy tôi cần chuẩn bị như thế nào? Ngay sau khi sinh nở tôi làm những gì để có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn? Các bà mẹ khác khuyên ăn móng giò, chân chó, cho lợi sữa. Nhưng tôi vốn rất sợ ăn các món này nên rất hoang mang không biết có cách nào khác để lợi sữa không. Xin bác sĩ tư vấn ạ.

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia:

Nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt cho cả mẹ và con. Em bé được nuôi bằng sữa mẹ, ít ốm đau, phát triển tốt cả về trí não, cân nặng và chiều cao. Mẹ thì tránh được băng huyết sau sinh, co tử cung sớm, quan trọng hơn cả là tiết kiệm kinh tế và gắn bó tình cảm mẹ con. Vậy việc bạn quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đúng đắn.

Để làm được điều đó, ngay từ khi còn đang mang thai, bạn cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để sau này tiếp tục sản xuất sữa nuôi con. Khi em bé bắt đầu chào đời, bạn nên cho con bú càng sớm càng tốt, nên bú trước một giờ sau khi sinh. Kể cả khi sữa chưa về bạn vẫn cứ cho con bú. Quan trọng nhất là phải cho bé bú đúng cách. Có thể nhờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Về chế độ ăn uống, không nhất thiết cứ phải ăn móng giò, chân chó mới có nhiều sữa. Cơ bản là ăn các món ăn nhiều nước, như cháo, sữa, súp… Có thể ăn cháo thịt gà, cá tôm, không nhất thiết phải ăn móng giò. Uống đủ 2,5 l nước mỗi ngày, bao gồm cả sữa. Nếu không thích ăn cháo bạn có thể ăn mì bún phở hoặc cả cơm, miễn là cung cấp đủ nước.

Điều quan trọng trong tiết sữa nữa là yếu tố thần kinh, tinh thần. Việc cho con bú thường xuyên và bú đúng cách là cách tốt nhất để duy trì nguồn sữa mẹ bởi động tác mút sữa của em bé sẽ kích thích đầu vú bạn, nơi có các đầu dây thần kinh giúp dẫn truyền luồng thần kinh ra thùy sau tuyến yên, giúp tiết ra 2 nội tiết tố là prolactin và oxytoxin giúp mẹ tiết sữa và bài tiết sữa.

Vì vậy nếu không cho con bú, bạn có ăn gì cũng không thể có sữa. Tinh thần người mẹ cũng cần thoải mái, vui vẻ và luôn tin tưởng mình sẽ đủ sữa nuôi con. Người mẹ cũng cần nhận được sự quan tâm của các thành viên khác trong gia đình, nhất là người chồng. Người mẹ luôn được sống trong hạnh phúc, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi thoải mái thì chắc chắn sẽ đủ sữa nuôi con.

=================

3. Thùy Vy – Nữ 59 tuổi

Tôi nghe nói nhiều chị em đang nuôi con bú mà bị ốm thì phải dừng cho con bú, có khi cai sữa luôn. Như vậy có đúng không? Trước đây tôi nuôi con bú thì trộm vía không bị ốm đau gì cả. Nay xin bác sĩ tư vấn rõ ràng để tôi nói lại với con dâu tôi cho cháu nó tin vì cháu nó sắp sinh lần đầu mà sức khỏe nó từ xưa không tốt lắm, tôi rất lo sau khi sinh có lúc nó ốm.

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Thực ra có rất ít bệnh của người mẹ mà phải hạn chế hoặc ngừng hẳn cho con bú. Hiện tại, có rất nhiều loại thuốc và biện pháp điều trị giúp cho các bà mẹ vẫn tiếp tục duy trì sữa mẹ trong khi điều trị bệnh.

Tuy nhiên, khi đi khám bệnh, bạn cần phải lựa chọn những bác sĩ có kiến thức sâu về sữa mẹ và điều trị thuốc khi đang nuôi con bú thì bạn sẽ được hỗ trợ đúng cách để tiếp tục cho bé bú.

=================

4. Kiều My – Nữ 26 tuổi

Tháng sau là em sinh con, cách đây 2 năm em đã phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, vậy em có thể nuôi con bằng sữa mẹ không? Bác sĩ thẩm mỹ tư vấn em phẫu thuật nâng ngực theo đường hai bên nách thì về sau vẫn cho con bú được nhưng em vẫn rất lo ạ.

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Việc đặt túi ngực được thực hiện thông qua đường nách và ở trên mô cơ, dưới mô vú, không xâm phạm vào các nang sữa, ống dẫn sữa, quầng thâm và núm vú. Vì vậy, em hoàn toàn có thể cho con bú mẹ bình thường.

Có một điều lưu ý, khi có vấn đề về tuyến sữa trong khi cho con bú thì không chườm nóng và nặn day vú vì có thể làm vỡ những nang sữa và túi silicon sẽ gây tổn thương vú trầm trọng, thậm chí đe doạ tính mạng.

=================

5. Ngọc Linh – Nữ 25 tuổi

Xin bác sĩ hướng dẫn xử lý tắc tia sữa. Em sinh con được hơn 1 tháng, tuần đầu sữa non về rất tốt, nhưng không hiểu sao mấy hôm nay bị tắc tia sữa. Ngực nổi cục, giơ tay lên cũng đau, chườm nước nóng thì chỉ đỡ đau chút thôi chứ lúc cho con bú lại đau lắm.

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Tia sữa bị tắc thường là do bé bú không đúng khớp (bé chưa ngậm vú đúng cách) nên gây tổn thương núm vú và quầng thâm, bít tắc đường da của tia sữa, các nang sữa bị ứ sữa tạo nên khối cục.
Việc cần làm trước nhất là nên đi khám để kiểm tra tình trạng tổn thương vú, không nặn day và chườm nóng vú để tránh gây tổn thương thêm, sau đó bạn cần phải học cách bế bé bú đúng tư thế và ngậm bắt vú đúng.

=================

6. Hạnh Dung – Nữ 23 tuổi

Bác sĩ ơi, em sắp sinh rồi và cũng biết sữa mẹ tốt thế nào rồi nhưng còn chưa biết cần phải chăm sóc vú như thế nào khi trong thời gian cho con bú. Mong bác sĩ hướng dẫn em chuẩn bị các thứ và một số cách vệ sinh, bảo vệ ngực, vì em nghe nói có mẹ bị tắc sữa ghê lắm, sữa về không đều nữa.

PGS. TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế:

Để chuẩn bị cho đầu vú trước và sau khi sinh rất quan trọng vì nếu làm không đúng cách và không cho con bú đúng cách thì sẽ gây tắc sữa và hạn chế tiết sữa. Vì vậy, bạn nhớ vệ sinh đầu vú hàng ngày. Trường hợp tụt núm vú, bạn nên đến bác sỹ khám để hướng dẫn cách lấy đầu vú ra, giúp trẻ có thể bú được ngay sau khi sinh. Nếu dùng miếng lót thấm sữa, bạn nên chọn loại có bề mặt mềm mại với đầu vú và sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn.

Bạn hãy cho con bú sớm ngay sau sinh, bú đều thường xuyên 2 bên và đúng cách. Vấn đề ăn uống rất quan trọng, đảm bảo uống đủ 2 – 2,5 lít/ngày.

Bên cạnh đó, bạn cần có một tâm lý thoải mái, tránh stress sau sinh, cố gắng trở về trạng thái sinh hoạt ăn uống bình thường.

=================

7. Pham Phuong – Nữ 28 tuổi

Chào bác sĩ ạ. Em đang nuôi con bằng sữa mẹ. Con em 6 tháng, 7,2kg. Bác sĩ cho em hỏi chế độ ăn uống phù hợp với bà mẹ cho con bú với ạ. Cụ thể bao nhiêu lạng thịt, lạng tôm, cá… hằng ngày. Em cảm ơn ạ.

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia:

Vì được nuôi bằng sữa mẹ nên hiện con bạn đang phát triển rất tốt, đúng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Bây giờ bạn dù đã đi làm nhưng vẫn nên duy trì chế độ ăn để tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Chế độ ăn của bà mẹ lúc cho con bú nên ăn 4-6 bữa/ngày, trong đó 2 bữa cơm, 2 bữa cháo và 2 cốc sữa.

Cụ thể lượng thực phẩm 1 ngày như sau:
– Gạo: 300-400g/ngày
– Thịt ( cá, tôm): 200-250g/ngày
– Trứng: 1-2 quả/ngày
– Rau xanh: 400-500 g
– Quả chín: 300-400g
– Sữa: 500-600ml (2-3 cốc)

Ngoài chế độ ăn bạn cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, và tích cực cho con bú thường xuyên là cách duy trì nguồn sữa mẹ tốt nhất để tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.

=================

8. Hà – Nữ 29 tuổi

Bé nhà em được 2 tháng nhưng e không đủ sữa. Có thể uống trà lợi sữa nào để sữa nhiều và đặc hơn không? E thấy khi mình ăn cơm rượu (rượu nếp)sữa đặc hơn vậy ăn thường xuyên có sao không ạ?

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia:

Trước hết để đủ sữa nuôi con bạn nên thường xuyên cho con bú, đừng nghĩ mình không đủ sữa, chính suy nghĩ đó đã ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Về chế độ ăn uống bạn nên ăn thực phẩm có nhiều nước, không kiêng khem quá mức.

Cũng có thể uống một vài loại trà lợi sữa có nguồn gốc tin cậy và có thương hiệu trên thị trường.

Các chất có trong rượu (kể cả rượu nếp) không tốt cho các bà mẹ đang nuôi con bú, bạn không nên ăn. Việc bạn thấy sữa đặc hơn có thể chỉ là do cảm giác. Điều quan trọng bạn cần theo dõi cân nặng của con, nếu thấy con vẫn lên cân tốt, ngủ ngon giấc, không quấy khóc, đi tiểu nhiều thì chứng tỏ bạn vẫn đủ sữa cho con bú.

=================

9. Lưu Nhung – Nữ 23 tuổi

Có mẹ khuyên tôi cứ để con ngủ thoải mái, có người bảo tôi phải đánh thức con 3 tiếng một lần để cho bú, tôi nên nghe theo ai? Xin bác sĩ cho biết con có thể vừa ngủ vừa bú không?

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Một bé sơ sinh khoẻ mạnh có lượng mỡ trắng dự trữ dưới da khiến bé không bị hạ đường huyết nguy hiểm nên khi bé ngủ bạn không cần phải đánh thức dậy cho bé bú. Việc bạn cần làm là ngủ cạnh con, phát hiện nhu cầu bú của con và cho con bú.

Bé bú mẹ thì nhận được khá nhiều hoóc môn an thần trong sữa mẹ nên sẽ có trạng thái lim dim trong khi bú và có thể ngủ ngay trên bầu vú mẹ. Việc duy nhất bạn cần làm là đánh giá xem khớp ngậm bú và tư thế bú của bé đã đúng chưa và cho bú theo nhu cầu.

=================

10. Lê Xuân Thắng – Nam 28 tuổi

Cháu xin hỏi, cháu thấy vợ cháu sữa rất loãng. Được cái là nhiều sữa, cháu thấy nước sữa vợ cháu đôi lúc trong như nước. Vậy có cách nào làm sữa đặc và tăng chất lượng hơn được không ạ.

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia:

Rất nhiều bà mẹ nhiều sữa nhưng nuôi con mà con lại không nên cân. Sữa chia làm 3 loại và sữa đầu, sữa giữa và sữa cuối. Sữa đầu bao giờ cũng rất nhiều nước hơn, sữa cuối đặc hơn và nhiều protein hơn. Vì vậy trường hợp của vợ cháu, trước khi cho con bú nên vắt bỏ bớt sữa đầu, cho bé bú sữa giữa và đặc biệt là sữa cuối, bú đến kiệt bầu sữa, em bé sẽ nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn, giúp bé tăng cân tốt.

Về chế độ ăn, nên ăn đầy đủ cân đối các nhóm chất, không kiêng khem.

=================

11. Trần thị Mai – Nữ 28 tuổi

Cháu chào bác sĩ a! Bác sĩ cho cháu hỏi chế độ ăn cho thai phụ sinh thường và sinh mổ có khác gì nhau không? Lần này cháu sinh bé thứ hai,cũng là để mổ, lần sinh trước thì nghe mọi người bảo để mổ phải kiêng ăn nhiều thứ hơn người đẻ thường (ví dụ như ko được ăn thịt gà, bí xanh…)cháu cũng không biết như thế có đúng không nhưng thấy bảo kiêng nên đành làm theo. Xin bác sĩ hãy tư vấn cho cháu ạ. Cháu cảm ơn các bác sĩ nhiều!

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia:

Chào cháu, dù là sinh mổ hay sinh thường chế độ ăn cũng không có gì khác nhau. Tuy nhiên do sinh mổ phải trải qua phẫu thuật nên những ngày đầu cũng có thể ăn nhẹ hơn, còn lại tất cả các thức ăn khác đều được ăn như sinh thường.
Tất cả các thức ăn như thịt gà, cơm nếp, bí xanh… vốn được cho là không tốt cho người mổ nhưng thực ra không ảnh hưởng gì cả. Kể cả mổ đẻ cháu vẫn ăn được như thường. Bà mẹ sau mổ đẻ thậm chí còn phải ăn nhiều hơn để nhanh chóng phục hồi sau mổ. Trong thịt gà chứa nhiều đạm, kẽm… giúp nhanh lành vết mổ.

=================

12. Bùi Thị Thu Hương – Nữ 34 tuổi

Con gái tôi 18 tháng, tôi muốn cho con bú đến 2 tuổi nhưng mọi người bảo cai sữa sớm con sẽ ăn nhiều hơn và nếu để con bú lâu sẽ khó cai. Mong các bác cho lời khuyên, tôi xin chân thành cảm ơn!

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) em bé cần nuôi dưỡng sữa mẹ tối thiểu đến 2 tuổi để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Những người khuyên bạn cai sữa sớm là những người thiếu hiểu biết. Bạn cần tự mình trang bị kiến thức đúng để bảo vệ cho con.
Bạn có thể tham khảo cuốn sách “68 ngộ nhận và giác ngộ nuôi con bằng sữa mẹ” của tác giả Lê Nhất Phương Hồng để có thêm kiến thức đúng về nuôi con bằng sữa mẹ.

=================

13. Phạm Thị Linh – Nữ 30 tuổi

E muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Nhưng khi mới sinh sữa chưa về kịp thì làm sao có sữa mẹ cho trẻ ăn lúc đó?

PGS. TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế:

Bạn cần cho bú ngay sau sinh trong vòng 1 giờ đầu và cho bú thường xuyên để kích thích tiết sữa.

=================

14. Trần Thị Hồng – Nữ 28 tuổi

Bé nhà em được 4,5 tháng tuổi em cho bé bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh tới giờ. Hiện tại sữa của em ít đi con ăn không đủ nên khóc, đầu ti của em xuất hiện 1 chấm nhỏ màu trắng không có mủ. Xin bác sĩ tư vấn để em có thêm sữa cho con bú trong 6 tháng đầu ạ. Em xin cảm ơn!

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Bạn dựa vào dấu hiệu nào để biết bé bú không đủ? Vì bé khóc không phải dấu hiệu bé bú thiếu. Bé bú đủ thì đầu ra sẽ đủ, bé sẽ ị đủ, tè đủ, phát triển tinh thần, vận động và thể trạng theo tuổi.
Nốt trắng không mủ trên đầu vú bạn là một điểm loét hoặc còn gọi là mụn sữa do bé bú không đúng. Bạn cần đi khám và kiểm tra lại cách ngậm vú của trẻ để trẻ ngậm vú đúng thì sẽ không gây hiện tượng trên.
Có rất nhiều ngày trong quá trình phát triển của trẻ,  trẻ “ngoan” và những ngày khác thì trẻ “hư”. Thực ra, bạn cần đọc và học về sự phát triển của trẻ, đặc biệt là những tuần lễ biến đổi của trẻ (wonder weeks), những tuần phát triển nhảy vọt của bé và những thời điểm quấy khóc nhiều (fussy night) để hiểu con hơn.

Bạn không cần phải làm bất cứ gì để thêm sữa cho con mà chỉ cần cho bú đúng và đáp ứng đủ nhu cầu của em bé.

=================

15. Ngọc Minh – Nữ 29 tuổi

Chào bác sĩ! Tôi sinh con được 4 tháng, tôi có vào điều muốn hỏi:1) con tôi khi sinh non khi 34 tuần sau đó phải nằm viện cách ly mẹ một tháng. Sau đó cháu chỉ bú bình không bú mẹ trực tiếp. Tôi thường vắt sữa bằng máy hút điện nhưng được rất ít sữa. Làm thế nào để tôi có nhiều sữa hơn cho con ăn. 2) khi vắt sữa lượng sữa hai bên ngực không đều, bên trái vắt được rất ít chỉ khoảng 10ml nên hai bầu ngực bị lệch, làm sao để lượng sữa 2 bên cân bằng.

PGS. TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế:

Việc bé nằm cách ly mẹ tới 1 tháng đã khiến trẻ không có thói quen bú mẹ. Bạn cần kiên trì tập cho con bú mẹ và bú đều cả hai bên, bú đúng cách, ăn uống đầy đủ. Khi con bú như vậy thì sẽ giúp sữa ra nhiều và ra đều.

=================

16. Đặng Thị Tuyết – Nữ 35 tuổi

Em mới sinh mổ bé thứ 2 được 2 tháng. Em rất muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng thời gian qua e tích cực kích sữa bằng đủ các loại vẫn ko đủ sữa cho bé ti. Em ăn 2-3 bát cơm một bữa. Tích cực cho bé ti. Thực phẩm là thịt nạc kho, thịt bò, thịt gà, rau ngót, đậu cô ve, mồng tơi, rau đay, bao tử hoa chuối và đu đủ xanh ninh móng giò, móng chó… kết hợp uống ngũ cốc lợi sữa bằng 13 loại hạt, uống cao chè vằng… Kết quả em vẫn ít sữa. BS cho em hỏi làm thế nào để đủ sữa cho bé ạ? Bé nhà em khi sinh đc 3.3kg. 2 tháng đc 5,6kg. 2 tháng qua bé uống thêm sữa ngoài 4 hộp 800g nữa ạ.

PGS. TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế:

Một trong những cách có thể kích thích tiết sữa là cần cho trẻ bú sớm, bú đúng cách, bú thường xuyên. Trong vòng 2 tháng mà bạn đã cho con uống đến 4 hộp sữa loại 800g là quá nhiều. Điều đó chứng tỏ, bạn cho con bú ngoài nhiều, chưa bú mẹ nhiều, thường xuyên, khiến cơ thể hạn chế tiết sữa.

Bởi vậy, ngoài chế độ ăn uống, bạn cần tăng cường cho con bú nhiều, ngay cả khi cơ thể tiết ra ít sữa để kích thích tăng tiết sữa.

=================

17. Huynh Ngoc Diem – Nữ 37 tuổi

Bé trai nhà em được 13 tháng. Hiện tại bé vẫn bú mẹ ban đêm. Do bé thường bú bên ti phải nên ngực phải bị to hơn ngực trái, em cũng cố gắng cho bé bú ti bên trái nhưng có vẻ như sữa ít nên chàng không chịu bú mà kéo ti bên phải lại để ti. Vậy em phải làm sao để kích thích sữa ti bên trái để ngực không bị bên to bên nhỏ khi bé không còn bú mẹ nữa. Cảm ơn Bác sĩ.

PGS. TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế:

Trẻ bú đều 2 bên rất quan trọng, kể cả khi bên tiết ra ít sữa, bên tiết ra nhiều. Việc chỉ tập trung bú 1 bên sẽ khiến bên kia dần dần mất sữa.

=================

18. Nguyễn Thị Thanh – Nữ 29 tuổi

Con tôi 1 tuổi, nhưng tôi ít sữa cho cháu bú và chỉ bú đêm, ngày tôi đi làm. Vậy tôi có nên cai sớm cho cháu ngủ suốt đêm không?

Ths. Bs. Nguyễn Hoài Nam – Bác sĩ, Giảng viên Đại học Y Hà Nội:

Bạn đi làm cả ngày thì bé đã thiệt thòi không được gần mẹ, không được ôm mẹ vì vậy khi mẹ về và bú đêm, bé sẽ bú mẹ, đòi mẹ liên tục để bù đắp cho ban ngày. Thậm chí có những đêm trẻ nhai vú cả đêm.
Thường là bé chuẩn bị ốm, hoặc đang đến giai đoạn phát triển của bé, việc cho bú đêm là rất quan trọng về phát triển thể chất và tinh thần của bé. Đồng thời, cho bú đêm cũng duy trì sản lượng sữa mẹ. Cho nên, theo tôi bạn nên tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu.

=================

19. Nguyễn Thị Mai – Nữ 30 tuổi

Cháu mới sinh bé được 3 tuần nhưng không đủ sữa cho con bú. Cháu phải làm thế nào ạ?

Ths.Bs. Lê Thị Hải – Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia :

Trước hết cháu cần phải tin tưởng là mình đủ sữa nuôi con. Thứ 2 là bạn cần tích cực cho con bú thường xuyên và bú đúng cách (cho trẻ ngậm hết quầng thâm của núm vú; đầu và mông trẻ phải nằm trên một đường thẳng; mặt của trẻ quay vào bầu ti mẹ; khi mút sữa 2 má bé phồng ra chứ không hóp vào). Khi cho con bú đúng cách sẽ giúp kích thích tăng tiết sữa mẹ nhiều hơn.
Chế độ ăn uống cần nhiều nước, nhiều bữa trong ngày. Đảm bảo ngủ đủ giấc và tinh thần thoải mái.
Nếu làm tất cả như vậy mà bé vẫn không đủ sữa như tiếu ít, khóc nhiều, tăng cân chậm thì bạn bắt buộc phải cho con uống thêm sữa bột công thức dành cho bé dưới 6 tháng tuổi.

Nguồn: benhvienphusantrunguong.org.vn/

Mong rằng những chia sẻ trên của Quầy Thuốc Linh Sơn đã giúp mẹ giải đáp được thắc mắc làm sao để có nhiều sữa cho con bú từ đó biết cách gọi sữa về hiệu quả nhất.

Các bài viết của Quầy Thuốc Linh Sơn chỉ có tính chất tham khảo.

Để hoàn thành bài viết này chúng tôi có tham khảo từ:

  1. vinmec.com – Cách để có đủ sữa cho bé bú khi sữa mẹ ít dần
  2. huggies.com.vn – Làm sao để có nhiều sữa cho con bú
  3. vn.theasianparent.com – 4 quy tắc mẹ phải thuộc nằm lòng để sữa về nhiều lại thơm đặc giúp con chóng lớn
  4. tamanhhospital.vn – Sinh thường và sinh mổ nên ăn gì, kiêng gì để nhiều sữa?
  5. benhvienphusantrunguong.org.vn/ – Bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ từ chuyên gia