Đối với mẹ bầu, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ đến lúc sinh là việc làm rất quan trọng. Việc này giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời có thể xử lý kịp thời các bất thường có thể sảy ra. Ngoài ra mẹ bầu còn có cơ hội được tư vấn chăm sóc sức khỏe đúng cách để con phát triển toàn diện trong bụng mẹ. Vì thế nắm rõ lịch khám thai định kỳ là việc vô cùng quan trọng. Quầy thuốc Linh Sơn thông tin đến bạn Lịch Khám Thai Chuẩn Của Bộ Y Tế.

Lịch khám thai định kỳ chuẩn của bộ y tế

Lịch khám thai định kỳ chuẩn Bộ Y Tế mẹ nào cũng phải nhớ!

Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế được chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối của thai kỳ. Được xem là khám thai đầy đủ nếu thai phụ khám đủ 7 lần (đối với thai phát triển bình thường), cụ thể:

Lần thứ nhất (6 – 8 tuần)

Lần đầu mẹ sẽ được kiểm tra để biết thai đã về tử cung chưa? Thai nhi có đang phát triển không? Bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ làm xét nghiệm máu để phát hiện bệnh lý kèm theo như tim sản, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp… Để từ đó tư vấn cho các bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ sớm, cách bổ sung dinh dưỡng và quyết định lịch khám thai tiếp theo.

Lần thứ hai (11 – 14 tuần)

Bác sĩ tiến hành siêu âm để tính ngày thụ thai chính xác và xem thai nhi có phát triển bình thường hay không. Mốc khám thai tuần 12 là mốc khám thai quan trọng.

Lần khám thai này có thể tiến hành đo độ mờ da gáy, qua đó dự đoán một số bất thường trên nhiễm sắc thể gây nên các căn bệnh như down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành …

Lần thứ ba (16 tuần)

Ở tuần 16, mẹ bầu sẽ được thăm khám thông thường và theo dõi thai nhi, dựa vào tình trạng sức khỏe của thai phụ mà bác sĩ yêu cầu phải làm thêm một số xét nghiệm nếu cần.

Giai đoạn này, những dị tật, dị dạng thai nhi được chẩn đoán tương đối rõ ràng (thai càng lớn hơn, các dị tật dị dạng sẽ khó quan sát hơn), từ đó các bà mẹ sẽ được tư vấn để chấm dứt thai kỳ sớm, tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý về sau.

Lần thứ tư (22 – 23 tuần)

Khám thai định kỳ tuần 22 đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng… được phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp cho thai phụ nếu chẳng may phát hiện các dị tật bẩm sinh ở con.

Lần thứ năm (26 tuần)

Tuần thứ 26 siêu âm thai sẽ phát hiện ra bất thường của cả 2 mẹ con. Thời điểm này, các mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 1 hoặc lần 2 với lần mang thai thứ 2 (cách lần mang thai thứ nhất dưới 5 năm).

Lần thứ sáu (31 – 32 tuần)

Tại thời điểm này, thai phụ được siêu âm để phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – Một trong những nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau sinh. Cũng trong lần khám này, người mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 2.

Lần thứ bảy (36 tuần)

Thai nhi ở lần khám thai tuần 36 được đo tim thai và chuyển động thai. Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng của bé lúc sinh và sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng thai nhi không đáp ứng đủ cân nặng chuẩn tại thời điểm tương ứng. Đây cũng là lần khám để đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thường hay phải mổ đẻ.

Sau lần khám thai định kỳ thứ 7, mẹ sẽ khám tiếp tùy theo chỉ định của bác sĩ và tình hình thai kỳ (2 tuần/lần hoặc 1 lần/tuần cho tới lúc sinh). Những lần khám thai cuối, bác sĩ thường chỉ khám thông thường, thử nước tiểu và siêu âm.

Trên đây là thông tin về lịch khám thai định kỳ mẹ bầu nên biết, hi vọng giúp mẹ xác định được những mốc thời gian quan trọng trong thời kỳ mang thai.

Các bài viết trên trang web chỉ mang tính chất tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *